Những cái giá của phân quyền tài chính Phân_quyền_tài_chính

Trong khi có nhiều lý luận ủng hộ các nhà nước nên đẩy mạnh phân quyền tài chính vì có nhiều cái lợi như trình bày ở trên, thì lại có không ít lý luận cho rằng cần phải thận trọng khi tiến hành phân quyền tài chính vì có những tác động tài chính ngoại lai bất lợi. Phân quyền tài chính ở mặt thu có thể làm nảy sinh một số bất lợi đối với nền tài chính và ngân sách của quốc gia cũng như của địa phương, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề cạnh tranh thuế theo chiều ngang, cạnh tranh thuế theo chiều dọc, và xuất khẩu thuế.

Cạnh tranh thuế theo chiều ngang

Giả định rằng môi trường kinh tế giữa các địa phương là giống nhau, chỉ có chính sách thuế là khác nhau và được hoạch định độc lập nhưng lại có tác động đến địa phương khác. Để đảm bảo đủ thu ngân sách. các chính quyền địa phương sẵn sàng đánh thuế vào các hoạt động kinh tế (các cơ sở thuế) có khả năng di chuyển qua lại giữa các địa phương. Chính ý đồ này đã dẫn các địa phương đến chỗ cạnh tranh thuế theo chiều ngang, đua nhau giảm thuế suất để thu hút các cơ sở thuế vào địa phương mình.

Một ví dụ dễ thấy nhất về cạnh tranh thuế theo chiều ngang là cạnh tranh thuế pháp nhân. Nếu tất cả các địa phương đều tham gia vào cuộc cạnh tranh không hợp tác kiểu này, thì từng địa phương sẽ chẳng những không được lợi gì vì chưa chắc đã thu hút thêm được cơ sở thuế về địa phương mình mà còn bị thiệt hại về tài chính do thuế suất giảm dẫn tới tổng nguồn thu giảm. Tài chính quốc gia cũng vì thế mà thất thu và lượng cung ứng hàng hoá công cộng sẽ ít đi.

Nếu các địa phương có cơ cấu kinh tế không giống nhau, cạnh tranh thuế có thể dẫn đến việc các hoạt động kinh tế sẽ đổ về những địa phương có thuế suất thấp chứ không phải về những địa phương có năng suất lao động cao. Điều này sẽ bóp méo chức năng phân bổ nguồn lực, làm cản trở sản xuất và phát triển kinh tế.

Cạnh tranh thuế theo chiều dọc

Nếu như cạnh tranh thuế theo chiều ngang dẫn đến cuộc chạy đua giảm thuế suất quá mức, thì cạnh tranh thuế theo chiều dọc lại dẫn đến tình trạng cùng một cơ sở thuế lại phải chịu thuế suất quá cao.

Cạnh tranh thuế theo chiều dọc giữa trung ương và địa phương chỉ xảy ra khi có chuyện đánh thuế hai lần bởi cả trung ương lẫn địa phương vào cùng một cơ sở thuế. Điều này gọi là "đánh thuế hai lần". Do cơ sở thuế giống như một mảnh đất công mà ai cũng có thể lợi dụng, nên các bên đều ra sức tăng thuế suất, khiến cho thuế suất thực tế mà cơ sở thuế phải chịu trở nên quá cao. Có thể gọi đây là một "bi kịch của mảnh đất công", nghĩa là bị khai thác đến kiệt quệ.

Xuất khẩu thuế

Khi cung ứng một hàng hoá công cộng nào đó mang lại lợi ích cho dân địa phương của mình, chính quyền địa phương có thể khiến dân địa phương khác phải chịu một phần chi phí để cung ứng hàng hoá đó (tức là thuế). Hiện tượng này gọi là xuất khẩu thuế. Những thuế có thể xuất khẩu này thường là các sắc thuế theo chủ nghĩa đánh thuế theo nguồn gốc. Khi giữa các chính quyền địa phương có thể có cạnh tranh hoàn hảo và các yếu tố sản xuất bị đánh thuế di chuyển qua lại giữa các địa phương, hiện tượng xuất khẩu thuế sẽ xảy ra.

Xuất khẩu thuế đồng nghĩa với việc người được hưởng lợi từ tiêu thụ hàng hoá công cộng và người nộp thuế để chính quyền địa phương có nguồn tài chính cho việc sản xuất hàng hoá công cộng không phải là một. Điều đó có nghĩa là có sự vi phạm nguyên tắc công bằng về thuế. Một hậu quả khác của xuất khẩu thuế là nhân dân địa phương sẽ nhận thấy mình không phải gánh chịu chi phí thuế, nên tự nhiên động cơ giám sát và kỷ luật hoạt động tài chính của chính quyền địa phương sẽ mất đi. Điều này có thể làm cho chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm tài chính.